"Hèn mà còn nhận ra mình là thằng hèn, là hèn tử tế. Hèn mà ngậm miệng ăn tiền là hèn nhơ bẩn.
Hèn mà ngậm máu phun người là hèn bất nhân. Hèn bán đất bán nước thì trời tru đất diệt"
(Phạm Chuyên)

Montag, 7. März 2011

Thống kê không xác thực: Mối lo của lãnh đạo Trung Quốc

Cảnh sát canh gác trước nơi họp của Quốc Hội Trung Quốc ở Bắc Kinh ngày 06/03/2011.
Cảnh sát canh gác trước nơi họp của Quốc Hội Trung Quốc ở Bắc Kinh ngày 06/03/2011. REUTERS/David Gray
Mai Vân, RFI
 
Cựu tổng thống Pháp Jacques Chirac phải ra tòa là sự kiện mà báo chí Pháp hôm nay coi trọng nhất, bên cạnh hồ sơ Libya và các láng giềng Ả Rập. Ngoài ra Trung Quốc cũng được đặc biệt quan tâm, với kế hoạch 5 năm (2011-2015) mà Quốc hội nước này sẽ thông qua. Trong tình hình đó, Le Figaro đã nêu bật vấn đề số liệu thống kê không mấy chính xác tại Trung Quốc.

« Trung Quốc muốn bẻ cổ tiếng xấu về thống kê gian dối ». Dưới tựa đề trên đây, nhật báo Le Figaro phân tích cố gắng của giới lãnh đạo Bắc Kinh hiện nay để có được những số liệu xác thực về dân số, mà kết quả đợt kiểm tra mới sắp được công bố. Theo tờ báo, điều này vừa thiết yếu cho công cuộc hoạch định chính sách kinh tế xã hội, vừa giúp Trung Quốc xóa nhòa hình ảnh một quốc gia thiếu thống kê đáng tin cậy.

Mở đầu bài phân tích, nhà báo Jean-Pierre Robin so sánh quan điểm của hai lãnh đạo Trung Quốc : đương kim phó chủ tịch nước Lý Khắc Cường, người được cho là sẽ lên thay thế ông Hồ Cẩm Đào kể từ năm 2012, và cố lãnh đạo Đặng Tiểu Bình, người đã mở cửa kinh tế Trung Quốc.

Đối với ông Lý Khắc Cường, xuất thân là một kinh tế gia, số liệu phải xác thực. Khi khởi động kế hoạch kiểm tra dân số, ông đã yêu cầu là kết quả phải « trung thực, chính xác và đầy đủ ». Theo Le Figaro, đã qua rồi thời kỳ mà ông Dặng Tiểu Bình, khi trả lời một học giả Mỹ về dân số Trung Quốc, đã nói một cách giễu cợt rằng : « Một số địa phương (Trung Quốc) cho rằng tốt nhất là phải có một con số to lớn, một số khác lại suy nghĩ ngược lại ; ai mà biết được sự thật là gì ! ».

Về đợt kiểm tra dân số lần thứ sáu này tại Trung Quốc, lần trước là vào năm 2000, nhật báo Pháp cho biết là nó đã huy động đến 6 triệu nhân viên, và kết quả sẽ được công bố vào tháng tư tới đây. Tác động của công cuộc kiểm tra dân số lần này sẽ rất quan trọng vì nó có thể thúc đẩy Bắc Kinh bãi bỏ « chính sách một con », ban hành từ năm 1979 để ngăn ngừa nguy cơ nhân mãn.

Chính sách này, được cho là đã giảm được 400 triệu trường hợp sinh đẻ trong vòng 30 năm qua, tuy nhiên có thể là nguyên nhân làm cho tỷ lệ sinh sản tại Trung Quốc tuột xuống dưới ngưỡng 1,5%, một tỷ lệ cần thiết để bảo đảm sự kế tục của các thế hệ, nghĩa là giúp cho xã hội khỏi bị lão hóa.

Theo Le Figaro, để có được các số liệu xác thực nhân đợt kiểm tra dân số lần này, chính quyền Bắc Kinh đã cam kết là sẽ không trừng phạt các gia đình không tôn trọng chính sách một con. Đối với với tờ báo, quyết tâm có được những số liệu chính xác, chứ không phải là ‘hợp lòng nhà nước’, đã được thể hiện trong mọi lãnh vực, vì chế độ nhận thức rất rõ các khuyết điểm trong hệ thống thông tin của mình.

Lý Khắc Cường : Các số liệu về GDP không xác tín lắm

Một trong những thí dụ điển hình được Le Figaro nhắc lại là số liệu về GDP của Trung Quốc, công bố mỗi quý một lần, vẫn thường làm cho cả thế giới trầm trồ. Vào năm 2007, khi còn làm Bí thư tỉnh ủy Liêu Ninh, ông Lý Khắc Cường đã công nhận với Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc là ông chỉ chú ý đến ba số liệu để đánh giá mức tăng trưởng kinh tế Trung Quốc : « mức tiêu thụ điện, lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường sắt và trị giá các tín dụng ».

Đối với ông Lý Khắc Cường : « Các số liệu về GDP do con người lập ra (tức là được chế tạo chứ không phải là được quan sát trực tiếp), do đó không xác tín lắm ». Nhận xét này của nhân vật lãnh đạo tương lai tại Trung Quốc đã được Đại sứ quán Mỹ tại Bắc Kinh ghi lại trong một bức điện mật được website WikiLeaks tiết lộ gần đây.

Theo Le Figaro, các quan sát viên quốc tế tiếp tục xem xét các số liệu về GDP của Trung Quốc với một con mắt đầy nghi ngờ. Một trong những nguyên nhân là số liệu gọi là hàng quý này chỉ có trên danh nghĩa mà thôi vì cách tính của Trung Quốc khác hẳn với các nước phát triển khác.
Họ tính mức tăng trưởng GDP mỗi quý so với cùng kỳ một năm trước đó, chứ không phải là so với quý trước như thông lệ. Các chuyên gia thống kê Trung Quốc lại không điều chỉnh được số liệu căn cứ vào các yếu tố trồi sụt theo thời vụ, chẳng hạn như các kỳ nghỉ lễ Lao động hay Tết nguyên đán, có thể kéo dài từ 4 ngày đến một tuần lễ tùy theo năm.

Ngoài ra, còn có tình trạng chênh lệch từ 2% đến 3% tùy theo vùng vì các lãnh đạo địa phương muốn thỏi phồng số liệu để lấy điểm, làm cho tỷ lệ tăng trưởng toàn quốc phình lên. Số liệu về lương hướng cũng không xác thực vì lẽ trị giá các loại « phiếu tiêu thụ » được các doanh nghiệp cung cấp cho nhân viên chiếm một phần quan trọng trong lợi tức.

Cơ quan thống kê quốc gia của Trung Quốc cũng không có thông tin về tài sản của mỗi người. Danh sách các tỷ phú Trung Quốc chẳng hạn, đều do các định chế ngoại quốc như Forbes hay Hurun công bố.